Cảnh báo lừa đảo VISA nông nghiệp Úc

Tin tức

| 04 tháng 11 2021

| bởi CTW.vn

image
Các hình thức lừa đảo về Thị thực

Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam đã có thông tin về một số hình thức lừa đảo thị thực đang tồn tại ở Việt Nam. Xin quý vị hãy thận trọng với bất kỳ cá nhân nào hứa hẹn có thể “đảm bảo” cung cấp thị thực Úc cho quý vị.

Những đối tượng lừa đảo có thể liên lạc với bạn qua bưu điện, thư điện tử (e-mail), điện thoại hoặc gặp trực tiếp để cung cấp thị thực nhằm đổi lấy các khoản thanh toán, thông tin chi tiết cá nhân và giấy tờ tùy thân. Họ có tự nhận quen biết một ai đó trong Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam, hoặc tự xưng là “Đại lý Di trú đã được đăng ký” hoặc “dịch vụ xin thị thực Úc”.

Những đối tượng lừa đảo có thể cố gắng làm quý vị tin rằng họ là người thật việc thật bằng cách đóng giả làm nhân viên từ một cơ quan của Chính phủ Úc hoặc bằng cách sử dụng các trang mạng trông giống như các trang mạng chính thức của Chính phủ. Các đối tượng hoạt động bất hợp pháp này thường đưa ra lời khuyên không chính xác, chiếm đoạt tiền, khuyến khích bạn nói dối trong hồ sơ xin thị thực của mình và không cung cấp các dịch vụ như đã hứa.

Dấu hiệu cảnh báo
  • Bạn nhận được một lời đề nghị bất ngờ “bảo đảm” cung cấp một thị thực Úc.
  • Lời đề nghị đến từ các email, các bài đăng trực tuyến, qua điện thoại, trên một trang mạng hoặc thậm chí là trực tiếp.
  • Với tuyên bố đây là “cơ hội duy nhất trong đời” để đi hoặc di cư đến Úc.
  • Bạn sẽ được yêu cầu trả tiền trước cho những đối tượng lừa đảo để “đăng ký” nguyện vọng xin thị thực. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu bạn trả tiền trực tiếp cho họ thay vì trả cho cơ quan chính phủ và tuyên bố rằng chỉ họ mới có thể trả chi phí này cho cơ quan chính phủ.
  • Những đối tượng lừa đảo tuyên bố họ có mối quan hệ đặc biệt với Bộ Nội Vụ.
  • Họ nói rằng họ cần giữ các tài liệu gốc của bạn.
Hãy nhớ rằng
  • Chỉ có một cơ quan cấp thị thực chính thức của Chính phủ Úc – đó là Bộ Nội Vụ. Trang mạng chính thức của Bộ Nội vụ là: http://www.homeaffairs.gov.au/.
  • Nếu bạn nhận được email từ Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam, địa chỉ email phải có đuôi "@dfat.gov.au".
  • Bộ Nội Vụ chỉ thu phí xin thị thực một lần tại thời điểm quý vị nộp hồ sơ xin thị thực. Bạn có thể trả phí trực tiếp cho Bộ Nội Vụ hoặc Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực Úc (AVAC) của chúng tôi tại Việt Nam, do VFS Toàn cầu điều hành. Không bắt buộc phải chi trả thông qua một đại lý.
  • Không ai có thể ảnh hưởng đến kết quả của hồ sơ xin thị thực hoặc quá trình đưa ra quyết định của hồ sơ xin thị thực. Chỉ những nhân viên được ủy quyền từ Bộ Nội Vụ mới có thể cấp cho bạn thị thực và chỉ khi bạn đã đáp ứng tất cả các yêu cầu xét duyệt của diện thị thực đó.
  • Bộ Nội Vụ không có bất kỳ mối quan hệ đặc biệt nào với các cơ quan bên ngoài và không dành sự ưu đãi cho bất cứ ai.
Hãy tự bảo vệ mình
  • Luôn đề cao cảnh giác với các cuộc điện thoại, bài đăng trên mạng, email hoặc tiếp cận trực tiếp đề cập đến một thị thực mà bạn không nộp hồ sơ. Hãy rời đi, cúp điện thoại ngay lập tức hoặc bỏ qua các thư điện tử/thư giấy đó! Chính phủ Úc sẽ không bất thình lình liên lạc để cung cấp thị thực cho bạn.
  • Một Đại lý dịch vụ Di trú Úc (dù hoạt động ở trong hay ngoài nước Úc) đều phải tuân thủ các Tiêu chuẩn Hành nghề, các Tiêu chí và Quy định phát triển chuyên nghiệp. Để tránh bị lừa đảo, bạn có thể kiểm tra Danh sách các Đại lý dịch vụ Di trú trên trang mạng của Văn phòng quản lý đăng ký Đại lý dịch vụ Di trú (OMARA), để nhận được sự bảo vệ của một Đại lý dịch vụ Di trú có đăng ký tại OMARA. Thông tin chi tiết có trên trang mạng Sự trợ giúp dành cho hồ sơ của quý vị (Help with your application).
  • Không bao giờ đưa hoặc gửi cho bất cứ ai các giấy tờ tùy thân gốc. Các cơ quan chính phủ có thể muốn trực tiếp xem các giấy tờ gốc của bạn hoặc có thể yêu cầu bản sao công chứng nhưng không bao giờ yêu cầu giữ lại các giấy tờ gốc.
  • Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, thẻ tín dụng hoặc ngân hàng của quý vị trong email hoặc qua điện thoại - Những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin của bạn để thực hiện gian lận về nhân thân hoặc đánh cắp tiền.
  • Nếu bạn nghĩ mình đã lỡ cung cấp thông tin chi tiết tài khoản ngân hàng của mình cho một đối tượng lừa đảo, hãy liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính bạn đang sử dụng ngay lập tức.
Trình báo

Các cá nhân có thông tin về các vụ việc lừa đảo về Di trú hoặc những đối tượng hoạt động bất hợp pháp nên liên hệ với Bộ Nội Vụ.

Vui lòng xem: https://www.homeaffairs.gov.au/help-and-support/departmental-forms/online-forms/border-watch

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan