Một kỷ nguyên học tập mới trong một thế giới việc làm mới

Thị trường việc làm

| 01 tháng 4 2021

| bởi CTW.vn

image

Thế giới việc làm đã thật sự thay đổi bởi đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp và lực lượng lao động khắp thế giới đã trải qua một cơn khủng hoảng chưa từng thấy trước đây. Làm việc từ xa đã trở thành một chuyển đổi kỹ thuật số và một xu thế bình thường mới mà đáng lý ra các công ty, tổ chức đã lên kế hoạch để thực hiện cho nhiều năm nhưng nay lại phải đẩy nhanh quá trình này chỉ còn trong vài tháng.

Lực lượng lao động nhanh chóng thấy mình cần phải nâng cao kỹ năng và thích ứng với những vai trò mới - những vai trò thậm chí không tồn tại trong vòng một năm trở lại đây. Và người sử dụng lao động cũng đang cố gắng đào tạo nhân viên để đáp ứng nhu cầu kinh doanh đang thay đổi chóng mặt. Trên thực tế, việc tái đào tạo kỹ năng và nâng cao kỹ năng không còn là việc “nên” làm nữa mà đã trở thành việc “cần” làm để tránh lực lượng lao động bị đào thải trong một thế giới kỹ thuật số phát triển không ngừng như hiện nay.

Theo nghiên cứu của Aberdeen, có 76% các công ty uy tín nhất tham gia khảo sát đã xác định “học tập và phát triển” là yếu tố then chốt dẫn đến những cải thiện về hiệu suất đáng kể

và lâu dài nhất của họ, chỉ đứng sau “quản lý hiệu suất” - và là một trong những lý do hàng đầu khiến nhân viên quyết định ở lại với một công ty.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhu cầu cấp bách của nhân viên là phải nâng cao kỹ năng và trình độ, với 1 trong 6 vai trò việc làm có nguy cơ bị thay thế bởi sự tự động hóa và công nghệ. Tuy nhiên, tin tốt là khoảng 1/3 trong số đó có thể dịch chuyển được (chuyển sang công việc mới) bằng cách nâng cao kỹ năng và tái đào tạo vì những năng lực hiện có hoàn toàn có thể đưa họ đến với những vai trò mới.

Benny Ramos - Trưởng bộ phận giải pháp của Skillsoft bày tỏ sự ủng hộ với những phát hiện của WEF nhưng cũng nói thêm rằng lực lượng lao động không chỉ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng kỹ thuật số mà còn vào cả các kỹ năng kinh doanh như giao tiếp và lãnh đạo.

“Nếu bạn xem xét kỹ những kỹ năng có thể chuyển giao này, có rất nhiều kỹ năng tương lai không nhất thiết chỉ xoay quanh mã hóa và công nghệ. Chúng ta cũng muốn có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo và khả năng trở thành một người linh hoạt trong việc quản lý các dự án để cải thiện sự hợp tác ”.

Mặc dù việc giải quyết các nhu cầu về kỹ năng ngày nay là rất cấp bách, Ramos tin rằng điều này lại mang đến cho bộ phận Nhân sự (HR) một cơ hội để suy ngẫm lại và cải thiện trải nghiệm của nhân viên thông qua ứng dụng công nghệ.

Ông nói thêm: “Chúng ta đã có 3-5 chuyển đổi diễn ra trong 3-5 tháng tập trung vào làm việc từ xa bằng cách sử dụng công nghệ để công việc an toàn hơn và thay thế một số công việc thủ công. Đây là cơ hội để bộ phận HR nhìn lại văn hóa sử dụng công nghệ để thay đổi trải nghiệm nội bộ cho nhân viên”.

Tuy nhiên, với số lượng lao động từ xa và nhu cầu kỹ thuật số ngày càng tăng, người sử dụng lao động phải đối mặt với thách thức là làm sao cho việc học tập nghiêm túc trở nên hấp dẫn giữa rất nhiều sự sao nhãng do học ở nhà cũng như do các nền tảng tiêu dùng khác gây ra.

“Chúng ta cần công nhận các xu hướng dựa trên người tiêu dùng của nhân viên. Bởi vì họ cũng đang xem Netflix, họ có thể sẽ so sánh chương trình học tập của bạn với kênh này. Đó chính là đối thủ của các chương trình học tập, đào tạo của bạn. Người học ngày nay thậm chí còn phân tâm hơn khi họ làm việc tại nhà. Trên thực tế, các nhân viên dành ít hơn 1% thời gian mỗi tuần cho việc học tập, đào tạo tự do, tức khoảng 21-24 phút mỗi tuần”.

Và các nghiên cứu sử dụng công nghệ chụp ảnh cộng hưởng chức năng (fMRI) và điện não đồ (EEG) đã phát hiện ra rằng cách để thu hút nhân viên là nội dung học tập phải có liên quan và có ý nghĩa đối với họ và liệu họ có trải qua phản ứng cảm xúc trong quá trình học tập hay không.

Một số phương pháp hay nhất để thu hút nhân viên hiệu quả hơn qua việc học tập trực tuyến dựa trên các nghiên cứu:

1. Học từng bước nhỏ (Microlearning)

Học theo từng đợt ngắn hơn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với “học say sưa” hay học liền một mạch. Hồi hải mã (hippocampus) - một cấu trúc trong não được cho là có liên quan đến cảm xúc, trí nhớ và hệ thần kinh tự chủ chỉ có thể lưu giữ thông tin trong 20 phút trước khi thông tin đó phải được chuyển vào trí nhớ ngắn hạn (short-term memory).

2. Kể chuyện (Storytelling)

Việc nghe những câu chuyện giúp người học tiêu hóa những thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và dễ dàng cũng như có thể sắp xếp thông tin một cách hiệu quả hơn trong não bộ. Với các câu chuyện được xây dựng hợp lý thậm chí còn được chứng minh là có thể thay đổi thái độ, niềm tin và hành vi của người học. Cuối cùng, những câu chuyện kích thích bộ não của người học về cách họ sẽ sử dụng những điều đang học để dự đoán điều có thể xảy ra tiếp theo.

3. Các nhân vật (Characters)

Ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và cử chỉ của các nhân vật sẽ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Và với tông giọng, sự chuyển động và âm lượng phù hợp, các nhân vật trông sẽ trở nên sống động giống như thật. Từ đó có thể xây dựng lòng tin cho người học. Điều chỉnh tông giọng cũng giúp tạo ra tâm trạng chung cho câu chuyện và có thể nâng cao sự hứng thú cũng như thúc đẩy sự nhiệt tình và tương tác của người học.

4. Các tình huống (Scenarios)

Phương pháp kể chuyện dựa trên tình huống sẽ kích thích sự gợi nhớ và giúp tạo nền tảng cho việc học trong trí nhớ ngắn hạn của mọi người. Việc sử dụng các tình huống cũng kích hoạt phản ứng cảm xúc cần thiết ở người học để thúc đẩy sự tham gia, tương tác vào các trải nghiệm học tập, đặc biệt là sự tò mò, ngạc nhiên và phấn khích. Khi các tình huống kết thúc theo chiều hướng tích cực, người học cũng sẽ cảm thấy lạc quan hơn về khả năng của bản thân trong việc tạo ra những thay đổi tích cực và chinh phục những trở ngại khó khăn nhất của họ. Sẽ hiệu quả hơn nếu có thể chỉ cho họ thấy những điều tốt đẹp, tích cực thực sự trông như thế nào chứ không chỉ đơn thuần là kể.

5. Củng cố (Reinforcement)

Sau 30 ngày kể từ ngày trải nghiệm học tập, mọi người chỉ còn nhớ 21% những gì họ đã học. Việc củng cố sớm và liên tục trong tháng đầu tiên sau khi trải nghiệm học tập là rất quan trọng để cải thiện tỷ lệ duy trì đó. Việc củng cố có thể diễn ra ở dạng câu đố và gợi ý để người học giải thích cho đồng nghiệp bằng lời của họ và những gì họ đã học được.

Khi việc học trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, các nhà tuyển dụng đang có  nhu cầu ngày càng tăng đối với các nền tảng học tập như Skillsoft Percipio để giúp việc học trở nên dễ dàng hơn, dễ tiếp cận hơn cũng như hiệu quả hơn.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan