Sự tử tế giúp ích cho sự nghiệp của bạn như thế nào?

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 10 tháng 7 2021

| bởi CTW.vn

image

Bạn có đang tìm kiếm một công việc mới hay nỗ lực để thăng tiến trong công việc hiện tại không? Hãy thử làm bài tập này: Sống tốt bụng và tử tế. Nó có thể giúp ích nhiều hơn bạn nghĩ và đóng vai trò là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong sự nghiệp.

Brian Snedvig - Founder của công ty tư vấn khởi nghiệp Jofibo cho biết trong một cuộc trò chuyện trên Twitter với The Balance: “Hãy lấy cảm hứng từ Tổng thống John F. Kennedy. Đừng mãi nghĩ về những gì người khác sẽ làm cho bạn, mà hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm cho người khác”.

Đây không chỉ đơn thuần là một điều đúng đắn mà ai cũng cần làm, mà còn là điều hữu ích nhất cho sự nghiệp của bạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự sẵn lòng (hay “tử tế”) làm cho tình bạn khắng khít hơn, mối quan hệ gia đình bền chặt hơn cũng như công việc thuận lợi thăng tiến hơn. Nghĩ cho người khác nhiều hơn để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh. Mạng lưới các mối quan hệ bền vững sẽ giúp ích khi bạn cần.

Tuy nhiên, đó không phải là lợi ích duy nhất của sự tử tế đối với sự nghiệp của bạn.

Tại sao sự tử tế lại đóng vai trò quan trọng?

Có rất nhiều lý do có thể lý giải cho điều này.

1. Giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu tốt

Mike Komives - Chuyên gia việc làm cho người cao tuổi của Trung tâm dịch vụ Nhân sinh miền Bắc California cho biết: “Chúng tôi biết rằng 4-5 giây gặp mặt đầu tiên sẽ quyết định rất nhiều đến việc đánh giá một ứng viên. Những người tìm việc nên cân nhắc xem bạn có đang xem bản thân là “cái rốn của vũ trụ” rồi tự tin thái quá không? Hay bạn cởi mở, trên môi luôn nở nụ cười? 

2. Mang lại cho bạn một tâm hồn an yên

Một trong những sai lầm lớn nhất khi tham gia phỏng vấn việc làm là nói xấu các các chủ thuê lao động trước đây của bạn. Tại sao ư? Bởi vì người quản lý tuyển dụng của nơi bạn đang ứng tuyển có thể cho rằng vấn đề thực sự nằm ở bạn. Bạn cũng có khả năng sẽ đối xử với chủ thuê mới bằng cách tương tự.

Cảnh báo: Sự tiêu cực trong các buổi phỏng vấn việc làm hoặc trong quá trình làm việc thường nhật của bạn sau khi trúng tuyển có thể sẽ đeo bám bạn lâu dài.

Nó có thể khiến bạn bị phân công làm các task khó, mất lòng các mối quan hệ với đồng nghiệp hay thậm chí khiến bạn bị sa thải. Hãy sống tử tế, tập trung vào điều tích cực và tận hưởng cảm giác an yên có được nhờ vào cách hành xử chuyên nghiệp của bạn.

3. Người khác sẽ sẵn lòng giúp bạn hơn

Komives cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích những “người săn việc làm” tạo điều kiện thuận tiện nhất để người khác giúp đỡ họ. Đừng chỉ hỏi xin ai đó giới thiệu một công việc, mà hãy hướng họ đến việc cung cấp tên và địa chỉ để bạn có thể chủ động liên hệ.”

Theo kinh nghiệm của Komives, mọi người sẽ luôn thấy biết ơn nếu người tìm việc sử dụng cách này để họ có thể dễ dàng giúp đỡ hơn. Ông cũng lưu ý: “Bằng cách hỏi thông tin để chủ động liên lạc - người tìm việc cho mọi người thấy rằng mình là một ứng viên đầy thiện chí.

4. Đảm bảo rằng mọi người sẽ muốn giúp đỡ bạn trong tương lai

Komives bày tỏ: “Tôi tin rằng những người sẵn lòng giúp đỡ người khác rồi cũng sẽ được nhận lại sự giúp đỡ khi cần.”

Hãy suy nghĩ theo cách này - Nếu phải lựa chọn giữa việc giúp đỡ một người luôn ở cạnh bạn và một người chưa từng giúp bạn, bạn sẽ chọn thế nào?

5. Làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn

Có lẽ lý do chính đáng nhất để giúp đỡ mọi người là vì điều đó cần thiết hơn bao giờ hết.

Komives giải bày: “Trong môi trường làm việc đầy biến động này, người tìm việc gặp phải quá nhiều thách thức. Số lượng việc làm bị cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn; không có thu nhập; những mối lo về sức khỏe do ảnh hưởng của đại dịch - gánh nặng đè lên vai các gia đình có quy mô dù nhỏ hay lớn; và sự bất ổn chung về mọi thứ.”

Lựa chọn trở nên tử tế

Trong bài diễn văn khai giảng năm học 2010 tại Đại học Princeton, Founder & CEO của Amazon Jeff Bezos đã nói về tầm quan trọng của “sự lựa chọn”.

"Bạn sẽ khôn khéo kỳ kèo trả giá người khác, hay bạn sẽ tử tế? Tôi sẽ đoán liều vậy. Khi bạn 80 tuổi, và trong một những phút giây trầm tư tự kể lại câu chuyện đời mình cho bản thân nghe, câu chuyện cô đọng và ý nghĩa nhất hẳn sẽ là một chuỗi những lựa chọn. Suy cho cùng thì, chúng ta của hiện tại chính là hiện thân cho sự lựa chọn của chính chúng ta.”

Lựa chọn trở nên tử tế có thể giúp bạn thành công theo những cách khác nhau, vượt xa phạm vi nơi làm việc. Nó có thể làm cho bạn trở nên hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.

Chìa khóa nằm ở nguồn động lực từ lòng tốt và sự tử tế. “Lòng tốt” có ý nghĩa mong muốn mang lại lợi ích cho người khác, trong khi “tử tế” ngụ ý mong muốn làm vui lòng người khác.

Tuy nhiên, suy cho cùng thì bạn vẫn nên phấn đấu để làm được cả hai trong sự nghiệp của mình. Chẳng hạn như, bạn có thể làm “người tham chiếu” cho một đồng nghiệp vì bạn thực lòng muốn giúp đỡ đồng thời cũng mong muốn họ có cái nhìn tốt về bạn.

Cả hai không chỉ không triệt tiêu nhau mà còn bổ trợ cho nhau để giúp ích cho bạn, đồng nghiệp của bạn và người sử dụng lao động - những người chú ý đến phẩm chất đáng quý của người đồng nghiệp mà bạn giới thiệu.

Ích lợi của lòng tốt

Lòng tốt mang lại lợi ích cho bạn cũng như những người bạn giúp đỡ. Tiến sĩ Janet Scarborough Civitelli - Nhà tâm lý học và Huấn luyện viên nghề nghiệp cho biết: “Có những lợi ích có thể đo lường về mặt tinh thần và thể chất. Một số lợi ích là hữu hình, ví dụ như “giải phóng các hormone cải thiện tâm trạng và giảm viêm trong cơ thể”. Những lợi ích khác tuy không dễ dàng nhận thấy nhưng lại góp phần làm cho thế giới trở nên rộng lượng và nhân ái hơn.”

Cách dung hòa “lòng tốt” và “sự tử tế” vào sự nghiệp của bạn

Bạn đã sẵn sàng biến môi trường làm việc của mình trở thành một nơi tốt đẹp hơn chưa? Hãy bắt đầu từ những bước rất nhỏ.

1. Tìm kiếm cơ hội cho đi sự giúp đỡ

Đừng đợi những người quen biết nhờ bạn giới thiệu, cho lời khuyên hay các trợ giúp tìm kiếm việc làm khác. Hãy tình nguyện giới thiệu, cho đi thời gian để giúp đỡ mọi người đọc rà soát lại hồ sơ ứng tuyển cũng như giúp họ tổ chức một buổi phỏng vấn thử.

Bí quyết: Tìm kiếm việc làm vẫn luôn là quá trình căng thẳng, mệt mỏi ngay cả khi bạn đang ở điều kiện thuận lợi nhất. Bạn có thể làm giảm bớt căng thẳng bằng cách chủ động chào hỏi trước khi đối phương mở lời.

2. Cung cấp một lối thoát

Amy Soricelli - Phó chủ tịch Trung tâm dịch vụ việc làm của Đại học Berkeley, cho biết: “Những việc đơn giản như trò chuyện cùng ai đó về ti tỉ thứ trên đời thay vì chỉ nói về những thách thức họ đang phải đối mặt có thể sẽ giúp họ thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực. Đôi khi việc thay đổi chủ đề có thể tạo ra nhiều quan điểm mới mẻ và cả những hy vọng”.

3. Hít thật sâu

Bạn phải biết rằng không một ai trên đời là hoàn hảo. Hãy tập hít một hơi thật sâu trước khi đi đến kết luận và sẵn sàng cho các đồng nghiệp và những mối liên hệ của bạn một khoảng nghỉ. Ngay cả những người siêu giỏi, làm việc có tổ chức và chuyên nghiệp thì thỉnh thoảng vẫn có thể mắc sai lầm. Hãy tìm kiếm cơ hội để nắm bắt. Lòng tốt của bạn sẽ được ghi nhớ.

Lược dịch bởi CanThoWork

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan