10 xu hướng nổi bật trong thị trường việc làm toàn cầu vào năm 2021

Thị trường việc làm

| 05 tháng 12 2020

| bởi CTW.vn

image

Hàng năm, nhiều chuyên gia sẽ công bố dự đoán về 10 xu hướng nơi làm việc hàng đầu sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc và sống trong năm tới. Mục đích là để giúp các tổ chức chuẩn bị kế hoạch cho tương lai bằng cách thu thập, đánh giá và báo cáo các xu hướng sẽ tác động nhiều nhất đến họ đồng thời trang bị cho các chuyên gia những hiểu biết cần thiết để duy trì sự phù hợp trong ngành nghề của họ. Không có gì phải bàn cãi khi cuộc sống công việc của chúng ta bị gián đoạn hơn bao giờ hết do Covid-19 và tác động của nó đã thúc đẩy hầu hết các xu hướng đã xảy ra trong văn hóa làm việc của chúng ta. Công việc và cuộc sống giờ đây hòa quyện với nhau hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử thế giới vì tác động của làm việc từ xa, khiến những xu hướng này có ý nghĩa nhiều hơn trước đây.

Những xu hướng bên dưới đây do Dan Schawbel dự đoán dựa trên hàng trăm cuộc trò chuyện với các CEO và các nhà lãnh đạo nhân sự, một loạt các cuộc khảo sát quốc gia và toàn cầu, và nghiên cứu thứ cấp được tổng hợp từ hơn 450 nguồn khác nhau, bao gồm các trường cao đẳng, công ty tư vấn, tổ chức tư vấn, tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ và Hiệp hội Thương mại. Những xu hướng này được hoàn thiện hơn khi áp dụng các hàm ý độc đáo của chúng theo ngành ở các cuộc nói chuyện khác nhau, đi sâu vào cách mỗi xu hướng biểu hiện khác nhau dựa trên ngành, văn hóa và môi trường.

Nhìn chung, dự đoán về thị trường việc làm năm 2021 sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực nhưng với quá nhiều bất ổn do Covid gây ra, mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu hơn tùy thuộc vào sự lây lan của virus và các doanh nghiệp đóng cửa.

10 xu hướng làm việc hàng đầu cho năm 2021 bao gồm:

1. Công nghệ hiện đại mở rộng để đáp ứng nhu cầu sức khỏe tinh thần của người lao động

Đại dịch Covid ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta khi nó lây lan đến mọi nơi làm việc. Một nghiên cứu của Workplace Intelligence và Oracle đã phát hiện rằng các công nhân tin đây là "năm căng thẳng nhất trong lịch sử" và TELUS cũng chỉ ra rằng 3 trong số 4 công nhân đã phải vật lộn trong công việc do những lo lắng mà Covid-19 gây ra. Khi nhân viên phải chịu căng thẳng và các vấn đề sức khỏe tinh thần khác, họ có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ để tìm kiếm sự hỗ trợ trước khi tìm kiếm sự trợ giúp tương tự từ con người.

Vì có những sự kỳ thị xung quanh sức khỏe tâm thần, nhân viên không muốn bị đồng nghiệp hoặc người quản lý đánh giá vì sợ sẽ bị tẩy chay hoặc mất việc, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế này. Nghiên cứu cũng cho thấy có hơn 80% người tham gia thích người máy (rô bốt) hơn con người vì người máy cung cấp một môi trường không phán xét, một lối thoát không thiên vị để mọi người chia sẻ vấn đề của họ và trả lời nhanh chóng các câu hỏi liên quan đến sức khỏe. Công nghệ gắn liền với cuộc sống công việc hàng ngày của chúng ta đến nỗi ta coi chúng là điều hiển nhiên, nhất là khi chúng đã tự động hóa được nhiều thao tác mà chúng ta từng làm. Các công ty đã hợp tác với các đối tác công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để mở rộng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng cao của người lao động. 

Cụ thể là, các công ty đã mua giấy phép của các doanh nghiệp đối tác để nhân viên của họ có thể sử dụng các ứng dụng như Calm, Headspace, Classpass, Fitbit, Woebot, Talkspace, BetterHelp và Virgin Pulse. Các ứng dụng này giúp người lao động thiền, giữ dáng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời cung cấp cho họ quyền truy cập 24/7 vào các biện pháp trị liệu cũng như các nguồn tài nguyên liên quan. Có thể kể đến Adobe, công ty này tạo điều kiện cho nhân viên của họ tham gia các cuộc hội thảo ảo (hội thảo trực tuyến) về sức khỏe, dịch vụ tư vấn 24/7 và quyền truy cập vào cả ứng dụng Calm và Headspace.

2. Người lao động đang đòi hỏi nhiều hơn ở người sử dụng lao động

Giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế, nhân viên cảm thấy rằng công ty của họ cần là một phần của giải pháp. Các công ty không còn có thể chỉ kinh doanh để kiếm lợi nhuận; giờ đây họ phải tạo ra sự khác biệt về mặt xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn này. Nhân viên đang yêu cầu các công ty cung cấp cho họ lịch làm việc linh hoạt, văn phòng làm việc an toàn, ngày nghỉ phép có lương,  dịch vụ chăm sóc trẻ em, các chương trình đào tạo và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Một số công ty như Netflix đã có biện pháp thiết thực như mở rộng thời gian nghỉ phép có lương của nhân viên lên đến 52 tuần. 

Ở Việt Nam, do kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước, các doanh nghiệp đang trong quá trình khôi phục lại.
Ngày 12/10, Báo Người Lao động đã tổ chức buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp”. Nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ rằng bên cạnh tân trang máy móc thiết bị, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chăm lo cho nhân công, duy trì lực lượng lao động sản xuất cũng là những giải pháp hàng đầu. Những giải pháp đó khiến nhiều doanh nghiệp có thể xoay sở, vực dậy sau dịch bệnh. 

3. Người lao động đang ưu tiên sự an toàn, an ninh và sức khỏe khi đánh giá người sử dụng lao động

Trong suốt thời gian diễn ra Covid-19, nhân viên mong muốn các công ty giữ cơ sở vật chất của họ sạch sẽ, thông báo thường xuyên về tình trạng mở cửa trở lại và duy trì các điều kiện làm việc an toàn. Giờ đây, khi người tìm việc đánh giá một lời mời làm việc, họ chọn "sự an toàn của môi trường làm việc" hơn "cơ hội phát triển nghề nghiệp" và thậm chí là "chất lượng của đồng nghiệp tiềm năng". Việc tuân thủ các hướng dẫn quốc gia và địa phương sẽ giúp việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn trong thời điểm này vì người lao động cần cảm thấy an toàn trước khi họ có thể cảm thấy hài lòng khi làm việc cũng như là một phần của tổ chức.

Không phải tổ chức nào cũng ưu tiên sự an toàn và hạnh phúc cho lực lượng lao động của họ vì có đến một phần ba nhân viên ở cửa hàng tạp hóa nói rằng người chủ lao động của họ đã không có những biện pháp tạo cho họ sự an toàn. Tuy nhiên, cũng có các công ty như Nokia và PwC đã sử dụng công nghệ để đảm bảo an toàn cho người lao động. Nokia có giải pháp phát hiện nhiệt độ thang máy tự động để phát hiện người có nguy cơ nhiễm Covid-19 và trong các tòa nhà. PwC có công cụ theo dõi tiếp xúc tự động để thông báo cho nhân viên đã tiếp xúc với một công nhân khác có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút. Phương thức này tương tự với ứng dụng Bluezone ở Việt Nam.

4. Lực lượng lao động toàn cầu phân tán và phi tập trung

Trong khi một nhóm nhỏ những người lao động tri thức toàn thời gian đã làm việc từ xa trước khi Covid-19 diễn ra, đại dịch buộc người sử dụng lao động phải linh hoạt hơn vì lý do an toàn. Bây giờ, các công việc đang tìm đến những nhân tài hơn là nhân tài tìm kiếm công việc như trước đây. 

Ngoài ra, người lao động cũng đang dịch chuyển đến những nơi làm việc khác để cảm thấy an toàn, tiết kiệm tiền và có nhiều không gian hơn vì giờ đây họ không phải ở trong các văn phòng thực tế và có thể làm việc từ xa. 

Ở Việt Nam, “Chúng ta chứng kiến việc ‘ông lớn’ thương mại điện tử Tiki đã áp dụng chính sách làm việc từ xa cho hàng ngàn nhân viên của mình từ ngày 15/3/2020. Chỉ một ngày sau đó, doanh nghiệp gọi xe trực tuyến BE GROUP cũng đưa ra các biện pháp tương tự” (theo ông Phạm Công Hiệp - giảng viên đại học RMIT)

Ở các công ty lớn trên thế giới như Nationwide và REI, để tiết kiệm tiền mua bất động sản và đáp ứng nhu cầu của nhân viên trong thời kỳ Covid-19, các công ty này đã phân cấp văn phòng của họ. Chỉ có người lao động tại 4 cơ sở chính của Nationwide trên toàn quốc, số còn lại ở các chi nhánh khác thì làm việc tại nhà. Trong khi đó, REI đã bán trụ sở chính của họ, chuyển nhân viên đến nhiều địa điểm và ban hành chính sách làm việc tại nhà hoàn chỉnh. Với một nơi làm việc phi tập trung, nhân viên đang kiếm được nhiều tiền hơn vì chi phí sinh hoạt ở các thành phố hạng hai và vùng ngoại ô thì thấp hơn. 

5. Kết hợp nơi làm việc với nguồn nhân lực

Thay vì áp dụng các cách tiếp cận cực đoan đối với môi trường làm việc, nhiều công ty có cách tiếp cận kết hợp, nơi một số nhân viên đến văn phòng trong vài ngày, trong khi một số khác thì làm việc từ xa. Mô hình nơi làm việc kết hợp đảm bảo được cấu trúc doanh nghiệp và cả tính thân thiện (tại văn phòng) đồng thời mang lại sự độc lập và linh hoạt (tại nhà). Khi người lao động được khảo sát về chỗ làm lý tưởng của họ, hơn 72% nói rằng họ muốn có một mô hình văn phòng từ xa kết hợp, và giáo sư kinh tế Nicholas Bloom của Đại học Stanford nói rằng cách tối ưu nhất là làm việc từ xa hai ngày một tuần. Môi trường "nơi làm việc kết hợp" của Microsoft sẽ cho phép hầu hết các vị trí làm việc duy trì ở xa dưới một nửa thời gian với sự chấp thuận của người quản lý, trong khi 62% nhân viên Google cũng muốn quay lại văn phòng của họ nhưng không phải mỗi ngày. 

Cũng trong tình hình phân tán lao động, các công ty ở Việt Nam như Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho mô hình nơi làm việc kết hợp khi phân tán nhân viên về các cơ sở và hơn 10 chi nhánh trên toàn quốc cũng như cho phép 20% nhân viên làm việc từ xa để đảm bảo hiệu suất 70-80% dù trong trường hợp chỉ còn một tòa nhà hoạt động (theo Forbes VN).

6. Các công ty cam kết thực hiện các mục tiêu đa dạng tích cực

Hầu hết các công ty lớn đều có một "Giám đốc Đa dạng và Hòa nhập" ("Chief Diversity and Inclusion Officer") được chỉ định, người hẳn đã chịu rất nhiều áp lực trong năm nay, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình xung quanh vấn đề bất bình đẳng chủng tộc điển hình xảy ra ở Mỹ. Có một sự thay đổi lớn xung quanh sự đa dạng và nhiều công ty đã cam kết công khai để nói với các bên liên quan rằng họ sẽ phân bổ nguồn lực để giải quyết bất bình đẳng tại nơi làm việc.

Cụ thể là Nestlé, công ty có nhân viên thuộc 177 quốc tịch khác nhau và có mặt trên 189 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, đã thực hiện cam kết đa dạng và hòa nhập thông qua các cam kết về vấn đề bình đẳng giới, thấu hiểu văn hóa, trao quyền cho cá thế hệ khác nhau tại nơi làm việc hay trao quyền cho người khuyết tật v.v...

Hơn ba mươi công ty khác như Amazon, GM, BlackRock, Chevron và Target cũng đã chia sẻ các báo cáo đa dạng của họ hoặc có kế hoạch trong năm tới.

7. Nhu cầu tái đào tạo và làm mới bộ kỹ năng tăng lên

Covid-19 đã làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, khiến khoảng cách về kỹ năng ngày càng rộng, trong khi sự gia tăng tự động hóa việc làm đã thúc đẩy nhu cầu tái đào tạo. Khi các doanh nghiệp và nhu cầu kinh tế thay đổi, các kỹ năng cần thiết để làm các công việc mới được tạo ra cũng tăng theo. Gartner báo cáo rằng chỉ có 16% những người mới được tuyển dụng sở hữu những kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại và công việc trong tương lai. Trong khi đó, Deloitte nhận thấy rằng hơn một nửa các nhà lãnh đạo nói rằng giữa một nửa và toàn bộ lực lượng lao động của họ sẽ cần phải thay đổi bộ kỹ năng và năng lực của họ trong ba năm tới.

Các kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất đến năm 2021 sẽ là:

  • Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence)
  • Máy học (machine learning) (máy được “đào tạo” bằng cách sử dụng một lượng lớn dữ liệu và các thuật toán cho phép nó học cách thực hiện các tác vụ)
  • Điện toán đám mây (cloud computing)
  • An ninh mạng (cybersecurity)
  • Khắc phục thảm họa (disaster recovery)
  • Thực tế tăng cường và thực tế ảo (Augmented reality & virtual reality, AR & VR)
  • Công nghệ chuỗi khối (blockchain)
  • CNTT chăm sóc sức khỏe 
  • Thiết kế trải nghiệm người dùng (user experience, UX)

Trong khi nhiều công ty sa thải công nhân trong thời kỳ Covid-19, Verizon quyết định đào tạo lại 20.000 người cho những nghề nghiệp mới và Royal Dutch Shell đào tạo lực lượng lao động của họ về trí tuệ nhân tạo khi hợp tác với Udacity. Đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho công nhân sẽ càng trở nên cần thiết hơn vào năm 2021 vì thị trường đang chuyển dịch và đầu tư vào công nghệ mới đang tăng lên, cả hai đều do tác động của Covid-19. Và một nghiên cứu của Bright Horizons xác nhận 78% công nhân tin rằng đại dịch đã làm tăng nhu cầu của người lao động đối với công ty trong việc hỗ trợ nhu cầu về giáo dục của họ.

8. Người lao động nữ sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại ở nơi làm việc

Lao động nữ đã dần đạt được những bước tiến lớn trong công việc, nhưng dường như Covid-19 đã chặn đứng những tiến bộ đó. Mặc dù phụ nữ có nhiều bằng cấp và bằng cấp cao hơn nam giới, nhưng họ vẫn bị đánh giá thấp hơn trong vai trò lãnh đạo. Phụ nữ có nhiều khả năng đã bị cho thôi việc hoặc rời bỏ lực lượng lao động trong thời kỳ Covid-19 và có nhiều khả năng bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đại dịch đã dấy lên những thách thức mà họ đang phải đối mặt xung quanh việc chăm sóc trẻ em, quản lý công việc và cuộc sống, cũng như bất bình đẳng. Giám đốc điều hành (COO) của Facebook, Sheryl Sandberg đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi cô viết một dòng trên tạp chí Fortune rằng: "Vượt qua cuộc khủng hoảng này đồng nghĩa với việc giúp phụ nữ cũng vượt qua nó." Với việc phụ nữ gánh vác phần lớn công việc gia đình và chăm sóc trẻ em, hơn một triệu người đã phải nghỉ việc chỉ để giải quyết những nhu cầu cấp thiết của vai trò làm cha mẹ với cái giá phải trả là sự nghiệp của họ. 

Ở các quốc gia vẫn chưa kiểm soát được Covid, các nhà trẻ và trường học đã đóng cửa, khiến các bậc phụ huynh (đặc biệt là các bà mẹ) phải gánh vác gánh nặng chăm sóc con cái trên cả công việc làm từ xa của họ. Đó là lý do tại sao gần 2/3 phụ nữ đang lên kế hoạch thay đổi nghề nghiệp hậu Covid-19 và 25% đang cân nhắc chuyển hướng sự nghiệp hoặc rời bỏ thị trường lao động. Để hỗ trợ phụ nữ, EY đã cung cấp dịch vụ dạy kèm giảm giá và quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc trong 24 ngày. HP đang cung cấp các nhóm hỗ trợ cho các bậc cha mẹ và Bank of America sẽ hoàn trả vô thời hạn lên đến $100 mỗi ngày để trả tiền chăm sóc trẻ em.

9. Covid-19 tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nơi làm việc

Satya Nadell, Giám đốc điều hành của Microsoft, đã mô tả tác động của Covid-19 đối với việc áp dụng và tiến bộ của công nghệ tại nơi làm việc, rằng "chúng ta đã chứng kiến ​​hai năm chuyển đổi kỹ thuật số trong hai tháng". Hai nghiên cứu riêng biệt của McKinsey và KPMG cho thấy ít nhất 80% các nhà lãnh đạo đã đẩy nhanh việc triển khai công nghệ do Covid-19. Mặc dù trong quá khứ những công nghệ này không hề được ủng hộ, IBM nhận thấy rằng dựa vào tình hình hiện tại, khả năng tới 2/3 có thể phục hồi được. Với khoảng cách kỹ năng lớn hơn, nhân viên cần phải được đào tạo nhiều hơn để hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và tốc độ thay đổi. Trong đó, nhiều công nghệ như theo dõi liên hệ (contact tracing), công cụ cộng tác (collaborative tools) và phần mềm do trí tuệ nhân tạo điều khiển (AI-driven software), đã được áp dụng rộng rãi để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của nhân viên, tăng năng suất, đảm bảo sự linh hoạt và an toàn. Levi Strauss đã trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách tận dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, tung ra dịch vụ trợ giúp ảo đặc biệt, lên lịch cuộc hẹn và chương trình khách hàng thân thiết mới.

10. Lực lượng lao động theo giờ được đối xử như một nguồn lực quan trọng

Trước đại dịch, công nhân làm việc theo giờ thường bị xem nhẹ. Giờ đây, những người lao động theo giờ được coi là nhân tố quan trọng để vận hành nền văn minh. Một số công ty đã bắt đầu đánh giá cao nhân công theo giờ của họ. Các nhà hàng Darden cung cấp chế độ nghỉ ốm có lương cho công nhân theo giờ trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, trong khi Lowe's thưởng 100 triệu đô la cho công nhân của họ. Khi chúng ta bước sang năm 2021, những người làm việc theo giờ sẽ được đối xử như những người làm việc toàn thời gian khi nói về phúc lợi và giá trị gia tăng cho nhóm lao động của họ.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan