Cách yêu cầu tăng lương tốt nhất

Tin tức

| 26 tháng 10 2020

| bởi CTW.vn

image

Có phải bạn đang nghĩ đến việc yêu cầu tăng lương? Nếu vậy, bạn có thể đang cảm thấy khá lo lắng. Tuy nhiên, chuẩn bị đúng cách trước khi đưa ra đề xuất tăng lương có thể làm tăng cơ hội thành công của bạn rất nhiều.

Nói về tiền bạc là điều cấm kỵ trong văn hóa của chúng ta. Do đó, nhiều người trong chúng ta cảm thấy không thoải mái khi đàm phán lương. Nghiên cứu cho thấy một trong những lý do phổ biến nhất khiến bạn không đàm phán lương được là do cảm thấy không thoải mái khi yêu cầu được nhận thêm tiền. [1]

Bí quyết: Để vượt qua những căng thẳng đó, hãy chuẩn bị trước. Tìm hiểu thời điểm và cách thức yêu cầu tăng lương để yêu cầu của bạn sẽ được người nghe dễ lắng nghe và tiếp nhận.

Sau đó, hãy xây dựng một chiến lược giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất có thể. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ luôn nhận được câu trả lời “có” hoặc sếp của bạn sẽ có thể trả cho bạn chính xác số tiền mà bạn yêu cầu.

10 điều nên làm và không nên khi yêu cầu tăng lương

Dưới đây là danh sách 10 điều nên làm và không nên làm khi yêu cầu tăng lương.

  1. Hỏi về việc tăng lương ngay sau một thành tích lớn. Nếu bạn vừa chốt thành công một thỏa thuận hay hoàn tất một đợt khuyến mại lớn, đây là thời điểm tốt để yêu cầu tăng lương. Tận dụng động lực thành công của bạn, và bạn có thể sẽ thấy bản thân đứng ở vị trí lý tưởng để yêu cầu tăng lương. [2]
  2. Viết ra nội dung cần đàm phán và tập dượt trước, một chương trình cụ thể cho buổi trao đổi với sếp của bạn. Đừng bước vào buổi họp của chính bạn mà không chuẩn bị trước.
    • Bí quyết: Hãy suy nghĩ về một danh sách các lý do cụ thể tại sao bạn xứng đáng được tăng lương, viết chúng ra và tập dượt để đảm bảo bạn sẽ truyền đạt thông tin một cách tự tin và đầy thuyết phục.
    • Ngoài việc liệt kê những thành tích của bản thân, bạn có thể đề cập đến sự mở rộng gần đây trong trách nhiệm của bạn tại nơi làm việc, các nhiệm vụ bổ sung mà bạn đã thực hiện, các chiến lược mới bạn đã áp dụng, các dự án bạn đã dẫn dắt và bất kỳ kế hoạch nào bạn ấp ủ để nâng cao hơn nữa sự thành công của phòng ban.
    • Bạn cũng có thể cân nhắc việc đánh máy và in ra một bản các thông tin trên cho sếp để họ có thể xem qua và thảo luận với những người giám sát khác nếu cần.
  3. Xác định thời điểm cho phù hợp. Hãy tự tìm hiểu và làm quen với chính sách đánh giá hiệu suất công việc của công ty bạn. Họ có thực hiện đánh giá hiệu suất hàng quý, mỗi sáu tháng, định kỳ hàng năm hay không? Thảo luận riêng với đồng nghiệp của bạn hoặc tham khảo ý kiến ​​của bộ phận Nhân sự để nắm được tiến trình thời gian của quá trình này. Nếu có thể, bạn cũng nên cố gắng điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với quy trình tài chính của công ty.
    • Bí quyết: Hãy thử hỏi khi nào công ty nhận được nguồn tiền mới, khi nào năm tài chính mới bắt đầu hoặc bất cứ khi nào bạn cho rằng công ty có thể dễ dàng tăng lương.
  4. Ăn mặc chỉnh tề. Ngay cả khi quy tắc ăn mặc công sở của bạn có xu hướng xuề xòa, thì khi đến giờ họp, bạn nên chăm chút bản thân kỹ lưỡng. Hãy dành thêm vài phút để thắt cà vạt, ủi áo sơ mi hoặc lấy đôi giày đẹp nhất ra khỏi tủ để mang. Mặc dù bạn không muốn trông như thể bản thân đang làm quá lên, nhưng vẻ ngoài bóng bẩy và chuyên nghiệp sẽ không gây hại gì mà chỉ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi tiến hành một công việc quan trọng của bản thân.
  5. Có các kế hoạch dự phòng. Không ai muốn nghe câu trả lời là “không” từ sếp, nhưng một lời từ chối có thể tạo cơ hội để bạn đưa ra một đề xuất khác:
    • Bạn có muốn hỏi về việc làm tại nhà một ngày mỗi tuần không?
    • Bạn đang cần một chiếc điện thoại di động, máy tính xách tay (laptop) mới để phục vụ cho công việc?
    • Có hội nghị hoặc sự kiện lớn của ngành nào mà bạn muốn tham dự không?
    • Sếp của bạn có nhiều khả năng sẽ nói “có” với một yêu cầu nhỏ hơn sau khi từ chối một yêu cầu lớn.
  6. Nếu có thể, đừng hỏi qua thư điện tử (email). Mặc dù việc lên lịch họp qua thư điện tử (email) là có thể chấp nhận được, nhưng bạn thực sự nên trao đổi trực tiếp về việc được tăng lương, mặt đối mặt. Đó là cách tốt nhất để thể hiện rằng bạn nghiêm túc và cũng sẽ cho phép bạn đánh giá phản ứng của sếp đối với yêu cầu của bạn.
    • Hỏi sếp của bạn khi nào họ có thể sắp xếp thời gian để thảo luận về một câu hỏi liên quan đến lương của bạn. Bạn thậm chí có thể xem liệu họ có sẵn sàng cho một buổi ăn trưa vừa trao đổi công việc hay không, đó có thể là một không gian thoải mái hơn để trò chuyện.
    • Nếu một cuộc trò chuyện trực tiếp không khả thi, bạn vẫn có thể cân nhắc gửi yêu cầu tăng lương qua thư điện tử (email) hay một lá thư yêu cầu tăng lương.
  7. Đừng hỏi sếp về việc tăng lương vào thời điểm họ đang căng thẳng cao độ. Hãy sử dụng bản năng khi bạn tiếp cận với cấp trên. Nếu sếp của bạn đặc biệt căng thẳng và làm việc quá sức, có lẽ đây không phải là thời điểm tốt nhất để đưa ra chủ đề này để bàn bạc. Nếu bạn có thể, hãy đợi đợt cao điểm qua đi ra và hỏi sếp trong thời gian tạm lắng, hoặc ít nhất là khi bạn thấy rằng cấp trên đang có tâm trạng tốt.
  8. Đừng đưa ra tối hậu thư trừ khi bạn sẵn sàng mất việc. Hãy cẩn thận về cách bạn phân tích chủ đề. Bạn không muốn đòi hỏi quá mức. Tất nhiên, hãy tự tin và quyết đoán trước yêu cầu của bạn, nhưng hãy lưu ý đến giọng điệu của bạn và tập trung vào sự kiên nhẫn, chuyên nghiệp và thấu hiểu.
    • Hãy thận trọng với cách bạn đàm phán. Có thể bạn sẽ muốn tránh việc khiến lời yêu cầu của bạn nghe giống như mệnh lệnh— “Tôi cần mức tăng lương này, hoặc nếu không thì...!” - vì điều bạn nên làm là cố gắng giữ quan hệ tốt với sếp ngay cả khi họ nói không.
  9. Đừng sử dụng thông tin về mức lương của đồng nghiệp làm lý do tại sao bạn nên được tăng lương. Tránh đưa những chuyện tầm phào hay chuyện phiếm ở văn phòng vào cuộc thảo luận của bạn. Ngay cả khi bạn biết ai đó kiếm được nhiều tiền hơn bạn và nghĩ rằng bản thân xứng đáng được nhận mức lương tương đương hay thậm chí là cao hơn, thì bạn cũng không nên đề cập đến điều đó.
    • Điều đó không chuyên nghiệp và bạn không bao giờ biết liệu những gì bạn đã nghe hoặc tình cờ nghe được là sự thật hay không. Thay vào đó, hãy tập trung vào kinh nghiệm và thành tích của cá nhân bạn và lý do tại sao bạn nên được tăng lương - dựa trên thành tích của chính bạn thay vì dựa trên số tiền người khác đang được nhận.
  10. Không cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân. Tốt nhất, bạn nên cố gắng soạn ra đề xuất của bạn tập trung vào lý do tại sao bạn xứng đáng được tăng lương, thay vì lý do tại sao bạn cần được tăng lương. Có một số điều tốt hơn là không nên nói khi bạn đang nói về việc tăng lương.
    • Trừ khi bạn có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với người giám sát của bạn, bạn nên tránh viện dẫn các lý do cá nhân, chẳng hạn như vợ / chồng của bạn bị mất việc, con bạn đang chuẩn bị vào đại học hoặc một khoản đầu tư của bạn gặp trục trặc. Thay vào đó, nhấn mạnh vào những gì bạn đã làm để được tăng lương.
Nên kỳ vọng điều gì sau khi bạn yêu cầu tăng lương

Mặc dù bạn rất muốn biết kết quả lập tức, nhưng đừng mong đợi một câu trả lời ngay. Trừ khi bạn đang làm việc tại một công ty rất nhỏ, người quản lý của bạn thậm chí có thể không có quyền tăng lương cho bạn ngay cả khi họ muốn. Đó có thể là một việc cần được thảo luận với bộ phận nhân sự và / hoặc những người quản lý khác.

Lưu ý: Đừng cảm thấy tồi tệ nếu yêu cầu của bạn bị từ chối. Đơn giản có thể là công ty không có đủ ngân sách để tăng lương, bất kể mức tăng lương của bạn có xứng đáng như thế nào.

Nhiều công ty có các chính sách chính thức xác định mức lương và quy trình nâng lương, vì vậy có thể không có sự linh hoạt trong việc tăng lương cho bạn ngoài thời gian và hạn mức theo hướng dẫn của công ty.

Lời kết
  • CHỌN ĐÚNG THỜI ĐIỂM: Thử xác định thời gian đàm phán với lịch tài chính của công ty. Khi nào thì sếp của bạn có nhiều khả năng tìm thấy tiền trong ngân sách để tăng lương?
  • TRAO ĐỔI SAU MỘT THÀNH CÔNG LỚN: Gần đây bạn có vượt chỉ tiêu một cách xuất sắc hoặc hoàn thành điều gì đó lớn lao cho công ty không? Nếu có, bây giờ là thời điểm tốt để đưa ra yêu cầu của bạn.
  • ĐỪNG ĐƯA RA “TỐI HẬU THƯ”: Nếu bạn dọa sếp rằng bạn sẽ bỏ đi, tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị tinh thần để là điều đó.
  • TRÁNH CUNG CẤP QUÁ NHIỀU THÔNG TIN CÁ NHÂN: Sếp của bạn không cần biết lý do tại sao bạn muốn có nhiều tiền hơn. Họ chỉ cần biết tại sao bạn xứng đáng nhận được nhiều tiền hơn.
Nguồn bài viết
  1. PayScale. "Shocking Facts About Negotiating Your Salary." Accessed May 21, 2020.
  2. PayScale. "How to Ask for a Raise and Get It." Accessed May 21, 2020.
  3. Alison Doyle. "The Best Way to Ask for a Raise". Updated August 03, 2020. Accessed on October 26, 2020.
  4. Nguồn ảnh: Freepik
Bài viết liên quan