Kế toán trưởng - Yêu cầu, Kỹ năng, Phẩm chất

Tài chính - Kế toán

| 13 tháng 1 2021

| bởi CTW.vn

Chúng ta sẽ có những thông tin gì ở bài viết này?
Giới thiệu về vị trí Kế toán trưởng

Kế toán trưởng (Chief Accountant) là người được chọn đứng đầu bộ phận kế toán, chịu trách nhiệm cho các hoạt động liên quan đến tài chính, kế toán, thuế của doanh nghiệp. Kế toán trưởng quản lý tất cả các nhân viên kế toán, bao gồm kế toán tổng hợp, kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán chi tiết. Kế toán trưởng làm việc dưới quyền giám đốc tài chính (CFO).

Nhiệm vụ của kế toán trưởng

Nhiệm vụ của kế toán trưởng bao gồm:

  • Quản lý, giám sát bộ phận kế toán
  • Chuẩn bị các tài liệu tài chính, báo cáo kinh doanh
  • Kiểm tra lại các báo cáo tài chính, dự thảo ngân sách để tìm ra cách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
  • Đảm bảo sổ sách kế toán của doanh nghiệp phù hợp với quy định
  • Đưa ra các dự báo đảm bảo nguồn tài chính lưu thông trong doanh nghiệp
  • Phân tích xu hướng thị trường nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp
  • Cố vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh
  • Ngoài ra, kế toán trưởng cũng thực hiện những nhiệm vụ khác nếu nghề nghiệp yêu cầu hoặc theo chỉ đạo của cấp trên.
Yêu cầu đối với kế toán trưởng

Với một vị trí quan trọng như vậy trong doanh nghiệp, yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng viên cũng sẽ khắt khe tương đương. Vậy những yêu cầu đó là gì? Dưới đây là 5 yêu cầu chính bạn có thể tham khảo để phát triển bản thân phù hợp.

1. Học vấn

Về học vấn, ứng viên ứng tuyển vào vị trí kế toán trưởng tối thiểu cần có bằng đại học trong các lĩnh vực kế toán, tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh. Những bằng cấp cao hơn sẽ là lợi thế.

Hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cần có bằng thạc sĩ chuyên ngành kinh tế, tài chính, hoặc quản trị kinh doanh. Những chuyên ngành này cung cấp những khóa học giúp học viên phát triển kỹ năng phân tích, nâng cao hiểu biết về các phương pháp và các phần mềm phân tích tài chính.

Tuy nhiên, kinh nghiệm làm việc tương đương cũng là yếu tố được đánh giá cao.

2. Chứng chỉ

Vị trí kế toán trưởng không yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ chuyên nghiệp, tuy nhiên việc có những chứng chỉ này có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng cũng như làm đẹp thêm hồ sơ ứng tuyển. Những chứng chỉ như:

  • ACCA (do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc cấp)
  • ICAEW ACA (do Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales cấp)
  • CPA (Chứng chỉ Kế toán viên Công chứng được Cấp phép). Có hai loại chứng chỉ CPA: CPA do Úc cấp và CPA do Việt Nam cấp
  • CFA (Chứng chỉ Phân tích Đầu tư Tài chính được cấp bởi Hiệp hội Phân tích Đầu tư Tài chính Hoa Kỳ)
  • CIMA (do Hiệp hội Kế toán Quản trị Công chứng Anh Quốc cấp)
  • CIA (Chứng chỉ Kiểm toán Nội bộ Công chứng do Hiệp hội Kiểm toán Nội bộ Mỹ cấp)
  • CMA (Chứng chỉ Kế toán Quản trị)
  • Chứng chỉ Kiểm toán Thực hành do Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam (VACPA) chứng nhận
  • Chứng chỉ Kiểm toán Nội bộ do Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam (VACPA) chứng nhận

Mỗi loại chứng chỉ sẽ có mục đích, nội dung và đối tượng khác nhau. Ứng viên nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chọn học khóa học nào.

3. Kinh nghiệm

Ứng viên cần có kinh nghiệm ở vị trí kế toán trưởng ở doanh nghiệp khác, hoặc ở một vị trí khác như kế toán viên, nhân viên phân tích tài chính, kế toán cao cấp, trưởng phòng kế toán.

Kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm làm việc liên quan tới phân tích và thực hiện báo cáo tài chính cũng là những điều nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên.

Số năm kinh nghiệm có thể khác nhau tùy theo doanh nghiệp, có thể dao động từ 3-10 năm hoặc hơn.

4. Kiến thức

Về mặt kiến thức, ứng viên vị trí kế toán trưởng cần nắm vững các kiến thức chuyên ngành kế toán như các quy trình kế toán, các quy định về kế toán, thuế, nghiệp vụ mua hàng – bán hàng, nghiệp vụ tài sản,... cùng với những kiến thức liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Những kiến thức này có thể được tích lũy thông qua các chương trình đào tạo, các khóa học, sách vở, mạng internet, và qua quá trình làm việc. Đây là những kiến thức có giá trị được kế toán trưởng sử dụng trong quá trình làm việc.

5. Kỹ năng

Bên cạnh những yếu tố trên, kỹ năng cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Một kế toán trưởng cần có các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng phân tích, kỹ năng toán học, kỹ năng tổ chức và kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, kế toán trưởng cũng có thể phát triển thêm một số kỹ năng khác nếu thấy cần thiết trong công việc.

Các kỹ năng cần thiết cho công việc của Kế toán trưởng

1. Kỹ năng lãnh đạo

Kế toán trưởng đứng đầu bộ phận kế toán, chịu trách nhiệm cho các hoạt động kế toán của doanh nghiệp, do đó, kỹ năng lãnh đạo là không thể thiếu. Kế toán trưởng thực hiện quản lý các kế toán viên, đảm bảo họ thực hiện đúng các quy định về kế toán của nhà nước và các quy tắc kế toán của doanh nghiệp.

Kỹ năng lãnh đạo có thể được coi là kỹ năng quan trọng nhất một nhà quản lý cần có.

2. Kỹ năng phân tích

Kế toán trưởng có nhiệm vụ hỗ trợ các quản lý cấp cao trong việc đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, kế toán, thuế; ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của doanh nghiệp. Để đưa ra được những hỗ trợ phù hợp, kế toán trưởng cần thực hiện nghiên cứu các nghiệp vụ kinh tế, các sự kiện phát sinh, đánh giá tác động của các chính sách kế toán lên doanh nghiệp.

Việc thành thạo kỹ năng phân tích sẽ giúp cho kế toán trưởng thực hiện những nhiệm vụ này một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả.

3. Kỹ năng toán học

Kế toán thường được biết đến là nghề làm việc với các con số. Một kế toán trưởng cần có kỹ năng toán học, đặc biệt là đại số, để có thể hiểu được các thông tin về tài chính, các số liệu phức tạp trong kinh doanh.

Kỹ năng toán học tốt sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho kế toán trưởng trong việc cập nhật và phân tích số liệu.

4. Kỹ năng tổ chức

Kế toán trưởng cần thực hiện một khối lượng lớn công việc liên quan đến sổ sách, thông tin, số liệu. Vậy nên họ cần có kỹ năng tổ chức công việc và sắp xếp thời gian một cách hiệu quả nhằm hoàn thành được nhiệm vụ một cách tối ưu.

Kế toán trưởng cũng cần sử dụng đến kỹ năng tổ chức để sắp xếp và tổ chức công việc cho các kế toán viên trong bộ phận nhằm đảm bảo mỗi người có một vai trò riêng đóng góp cho thành công chung.

5. Kỹ năng giao tiếp

Kế toán trưởng giao tiếp với các kế toán viên để đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo; với các lãnh đạo cấp cao để đưa ra các ý kiến, cố vấn. Đặc biệt, trong các trường hợp kế toán trưởng cần truyền đạt các thông tin chuyên môn đến những người không có hiểu biết về kế toán, kỹ năng giao tiếp tốt là vô cùng quan trọng. Khi này, các thông tin đưa ra cần chính xác, dễ hiểu, dễ nắm bắt.

Phẩm chất của kế toán trưởng giỏi

Dưới đây là 9 phẩm chất mà bạn có thể tham khảo để phát triển bản thân phù hợp với vị trí công việc.

1. Có tính tổ chức

Những kế toán trưởng giỏi biết cách sắp xếp tổ chức công việc sao cho hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất có thể. Họ phải thực hiện một khối lượng lớn công việc liên quan đến số liệu, đòi hỏi tính tỉ mỉ và cẩn thận cao. Với khả năng tổ chức công việc tốt, họ sẽ không bỏ sót bất kỳ một nhiệm vụ nào.

2. Có đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố mà tất cả các ngành nghề đều đòi hỏi. Đối với vị trí kế toán trưởng – người nắm rõ các tài liệu kế toán, thuế, cũng như các thông tin kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp – yếu tố này lại càng là phẩm chất bắt buộc. Ở đây, đạo đức nghề nghiệp của kế toán trưởng thể hiện ở việc tuân thủ các quy tắc kế toán, quy định của doanh nghiệp và luật của nhà nước.

Đạo đức nghề nghiệp cũng là phẩm chất giúp kế toán trưởng tự tin hơn trong công việc.

3. Chú ý đến chi tiết

Dù là vấn đề đơn giản hay phức tạp, kế toán trưởng đều cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Một dấu phẩy ở sai vị trí hay một chữ số 0 bị thiếu cũng có thể làm sai lệch toàn bộ kết quả. Từ đó, doanh nghiệp có thể sẽ phải trả mức thuế cao hơn hoặc tệ hơn, bị phạt.
Ngoài ra, kế toán trưởng đôi khi được yêu cầu giải quyết các vấn đề tài chính rắc rối, do đó, họ cần có khả năng phát hiện những điểm chưa đúng, chưa chính xác để xử lý triệt để và hiệu quả.

Hơn nữa, kế toán trưởng là người kiểm tra lại các sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, các hóa đơn, tài liệu,... trước khi chúng được công bố hoặc kiểm kê bởi kiểm toán độc lập.
Nếu kế toán trưởng của doanh nghiệp không có phẩm chất này, họ có thể là người lười biếng hoặc không thực sự có trách nhiệm với công việc.

4. Ham học hỏi

Luật, quy định, quy tắc kế toán luôn thay đổi. Mặc dù một kế toán trưởng cần nắm vững những kiến thức cơ bản, nếu họ không cập nhật thông tin, họ có thể bị tụt lại phía sau. Đây chắc chắn là một tình trạng mà không một ai mong muốn.

Kế toán trưởng giỏi sẽ tự biết rằng: dù họ đã ở vị trí này, họ cũng không thể dừng việc học hỏi. Họ cần nắm bắt được những thông tin mới nhất liên quan đến nghề nghiệp để áp dụng một cách chính xác và hiệu quả. Hơn nữa, từ vị trí kế toán trưởng, họ có thể phát triển lên những vị trí cao hơn, như giám đốc tài chính (CFO).

5. Khả năng thích ứng tốt

Thị trường, nền kinh tế, và xã hội luôn luôn thay đổi. Những công nghệ mới, những nhu cầu mới luôn luôn xuất hiện. Những kế toán trưởng có khả năng cập nhật và thích ứng nhanh sẽ là những nhân sự có giá trị của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Đặc biệt là đối với những công nghệ mới – yếu tố giúp kế toán trưởng hoàn thành công việc hiệu quả và dễ dàng hơn. Những kế toán trưởng có khả năng sử dụng thành thạo các phầm mềm tin học văn phòng, các phần mềm kế toán, sẽ thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng và chính xác hơn. Những ai không chịu thay đổi sẽ bị đào thải.

6. Có tư duy kinh doanh

Tư duy và kiến thức kinh doanh tốt cũng là một phẩm chất được nhận thấy ở những kế toán trưởng giỏi. Họ có thể kết hợp được sự hiểu biết về các mô hình kinh tế, các phương pháp kinh doanh; với các quy tắc kế toán, các phương pháp nghiệp vụ, quy định về thuế. Từ đây, họ tìm ra được những phương án tối ưu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng được cả hai yêu cầu: kế toán – kinh doanh.

Kế toán trưởng là một phần quan trọng của doanh nghiệp, họ không thể không đặt mình vào vị trí của người làm kinh doanh.

7. Tập trung vào khách hàng

Kế toán trưởng có thể không phải là người trực tiếp làm việc với khách hàng, tuy nhiên, việc nắm vững mục tiêu người dùng và yêu cầu kinh doanh có thể giúp cho kế toán trưởng xác định được quy tắc kế toán hoặc phương pháp kinh tế nào khiến doanh nghiệp có thể đáp ứng được những nhu cầu đó.

Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên ngành, kế toán trưởng giỏi cũng sẽ đầu tư thời gian để tìm hiểu về khách hàng của họ nhiều nhất có thể. Họ không chỉ chăm sóc khách hàng tốt, họ còn biết cách xây dựng các chương trình đào tạo giúp cho các kế toán viên có thể đáp ứng tốt nhất được nhu cầu của những người này.

8. Sáng tạo

Kế toán trưởng thường được biết đến là người làm việc với các con số. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa công việc này không có chỗ để họ phát huy tư duy sáng tạo. Một kế toán trưởng giỏi không thể chỉ luôn luôn dựa vào một phương pháp duy nhất nếu như họ có thể tìm ra được những ý tưởng mới hiệu quả hơn.

Đối với những vấn đề phát sinh bất ngờ chưa từng gặp phải, kế toán trưởng cần tìm ra được phương hướng giải quyết hiệu quả.

Khả năng suy nghĩ sáng tạo và đổi mới để xử lý các vấn đề phức tạp cần được kế toán trưởng phát triển thông qua trải nghiệm thực tế, nhưng trước hết họ phải luôn sẵn sàng luyện tập và đối đầu.

9. Đáng tin cậy

Kế toán trưởng làm việc với các thông tin quan trọng của doanh nghiệp như báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh, thuế, ngân sách, dự án kinh tế, hợp tác, tài khoản ngân hàng, tài sản dòng... Do vậy, chủ lao động luôn tìm kiếm một kế toán trưởng đáng tin cậy. Họ cần được đảm bảo rằng thông tin về doanh nghiệp luôn được giữ an toàn và bí mật. Bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng sẽ không muốn phải sống với nỗi lo sợ rằng thông tin có thể bị rò rỉ.

Cơ hội việc làm đối với kế toán trưởng

Cơ hội việc làm vị trí kế toán trưởng ngày càng mở rộng, tuy nhiên ứng viên cũng cần trang bị cho mình những yếu tố giúp thăng tiến nhanh hơn. Ứng viên chính là người chịu trách nhiệm phấn đấu cho vị trí công việc mà họ mong muốn. Có nhiều cách thức như:

  • Tham gia các khóa học, thi lấy các chứng chỉ kế toán. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đòi hỏi các kế toán trưởng của họ phải có những chứng chỉ chuyên ngành nhất định (CPA, CMA,...). Nếu bạn có những chứng chỉ này, bạn sẽ có nhiều khả năng được nhà tuyển dụng đánh giá cao cũng như giữ được chỗ đứng vững chắc trong ngành. Tùy theo doanh nghiệp mà yêu cầu về những chứng chỉ này sẽ khác nhau.
  • Thảo luận với lãnh đạo của bạn. Sếp của bạn có thể không biết được những mong muốn của bạn đối với công việc. Tùy theo tình huống, hãy thảo luận thẳng thắn với họ để thể hiện nhu cầu học hỏi và phát triển nghề nghiệp của bạn.
  • Tìm đến Headhunter. Các Headhunter có thể nắm bắt được những cơ hội nghề nghiệp mà bạn không thể tự tìm thấy. Hơn nữa, họ có thể giới thiệu bạn tới vị trí kế toán trưởng phù hợp với khả năng và nhu cầu công việc của bạn.
Con đường nghề nghiệp kế toán trưởng

Kế toán trưởng có thể phát triển nghề nghiệp và tiến đến nhiều vị trí cao hơn trong doanh nghiệp, điển hình nhất là vị trí giám đốc tài chính (CFO).

Ở vai trò của mình, kế toán trưởng quản lý toàn bộ hoạt động kế toán cũng như nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong mối quan hệ hỗ trợ với giám đốc tài chính, kế toán trưởng có cơ hội phát huy và rèn luyện các kiến thức quản trị tài chính, kế toán, thuế; các kinh nghiệm và kỹ năng quản lý. Đây chính là tiền đề để kế toán trưởng thăng tiến.

Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của từng vị trí tại từng doanh nghiệp, kế toán trưởng có thể phải bổ sung thêm một số chứng chỉ kế toán hoặc tham gia một số khóa học về tài chính, quản trị kinh doanh; cùng với tích lũy một số năm kinh nghiệm nhất định.

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan