Trình Bày Kỹ Năng Trong CV Xin Việc Nổi Bật Và Ấn Tượng

Trình bày hồ sơ năng lực và đơn ứng tuyển chuyên nghiệp

| 01 tháng 9 2022

| bởi CTW.vn

image
Kỹ năng là gì?

Kỹ năng (Skills) là khả năng thực hành để hoàn thành các nhiệm vụ, công việc một cách tốt nhất có thể. Kỹ năng được chia thành 2 loại là kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn/ kỹ năng kỹ thuật) và kỹ năng mềm.

  • Kỹ năng cứng: Bộ kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết, bắt buộc phải có để hoàn thành công việc, ví dụ như lập trình viên cần có kỹ năng viết code, công nhân may cần kỹ năng sử dụng máy may. Kỹ năng chuyên môn có được bằng cách học hỏi trong các lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể và đôi khi còn được gọi là tay nghề (với các ngành đặc thù).
  • Kỹ năng mềm: Là các kỹ năng thể hiện khả năng tương tác, hợp tác của một cá nhân với những người xung quanh. Kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,... đều được xem là kỹ năng mềm. Đặc điểm của nhóm kỹ năng này là phụ thuộc nhiều vào tính cách của một người, có thể rèn luyện nhưng không dễ thay đổi.
Vì sao cần tập trung vào phần Kỹ năng trong CV xin việc?

Cả 2 nhóm kỹ năng kể trên đều được nhà tuyển dụng đánh giá cao trong quá trình tuyển dụng. Kỹ năng cứng chính là nền tảng giúp bạn có thể hoàn thành công việc được giao và đồng thời mở ra một cơ hội cạnh tranh với các ứng viên còn lại. Trong khi đó, kỹ năng mềm là yếu tố giúp CV của bạn trở nên nổi bật hơn và tạo lợi thế so với các ứng viên có năng lực tương đương.

Trình bày Kỹ năng trong CV xin việc nổi bật và ấn tượng

Thường thì ứng viên nhiều kinh nghiệm sẽ có bộ kỹ năng thành thạo hơn, còn các bạn ít kinh nghiệm, mới ra trường thì có bằng cấp, kiến thức chuyên môn nhưng mức độ thành thạo các kỹ năng - cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm đều bị hạn chế do chưa thực hành nhiều trong môi trường chuyên nghiệp.

Nhìn chung, CV xin việc nào cũng cần chú trọng phần nội dung, nhưng CV của ứng viên fresher, ít kinh nghiệm thì càng phải viết phần này tâm huyết hơn vì là phần "cứu cánh" nếu bạn viết tốt.

Để có thể trình bày những kỹ năng một cách nổi bật trong CV, điều đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu kỹ yêu cầu nhà tuyển dụng đặt ra, văn hóa làm việc tại công ty mình ứng tuyển và trả lời bốn câu hỏi sau:

  • Những kỹ năng cần thiết với công việc này là gì?
  • Kỹ năng của mình có phù hợp với công việc này không?
  • Kỹ năng nào của bản thân là tốt nhất?
  • Những kỹ năng này có nhất thiết phải đưa vào trong CV không?

Khi đã xác định được những kỹ năng cần thiết sau khi trả lời tất cả những câu hỏi này, bạn có thể bắt đầu viết phần này vào trong CV của mình. Một số nguyên tắc trình bày kỹ năng trong CV xin việc bạn nên ghi nhớ và áp dụng là:

  • Viết 4 - 6 kỹ năng theo thứ tự sắp xếp từ kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu và bạn có, tới kỹ năng bạn cảm thấy tự tin và sẽ cần cho công việc.
  • Chỉ viết duy nhất kỹ năng, không giải thích thành câu dài.
  • Nếu mẫu CV bạn chọn cho phép chọn mức độ thành thạo của các kỹ năng (điển hình như tiếng Anh, kỹ năng tin học văn phòng) thì hãy chọn mức độ thành thạo (khoảng 3/4 thang đánh giá trở lên).
  • Trung thực khi liệt kê kỹ năng trong CV xin việc và sẵn sàng chia sẻ, thể hiện trong phỏng vấn nếu được yêu cầu.
Những lưu ý khi trình bày kỹ năng trong CV

Có thể thấy, tất cả những kỹ năng đều có những giá trị nhất định nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên đưa toàn bộ vào trong CV. Một số lưu ý để viết tốt phần kỹ năng đó là:

  • Không viết các kỹ năng bạn không có: Nói dối trong CV nói chung và nói dối về phần kỹ năng nói riêng sẽ khiến bạn để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng. Giả sử bạn viết mình thành thạo MS Excel nhưng khi test thử thì bạn làm sai ngay cả các hàm cơ bản nhất, như vậy bạn sẽ chẳng có cơ hội nào nữa.
  • Tránh đề cập tới các kỹ năng không còn quan trọng: Có những kỹ năng thực sự đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Do đó, hãy luôn cập nhật xu hướng để chắc chắn rằng những kỹ năng bạn tự hào vẫn còn hữu ích, được coi trọng.
  • Trình bày kỹ năng không liên quan đến công việc ứng tuyển: Đừng cố gắng sao chép các yêu cầu kỹ năng trong JD hoặc đề cập quá nhiều kỹ năng vào CV. Chỉ chọn kỹ năng thực sự ý nghĩa và cần thiết cho công việc.
  • Lược bỏ các kỹ năng cơ bản mà ứng viên nào cũng có: Đừng bao giờ trình bày những kỹ năng cơ bản như sử dụng email, biết đánh máy,... bởi thực tế đây là những tiêu chuẩn bắt buộc phải có đối với một nhân viên văn phòng.

Không ai có thể phủ nhận giá trị và sự cần thiết của kỹ năng trong CV nhưng không phải bất cứ kỹ năng nào cũng nên trình bày. Để tạo được ấn tượng mạnh mẽ và thành công ứng tuyển bạn nên cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng những kỹ năng thực sự có giá trị, cần thiết với vị trí đang ứng tuyển.

Chia sẻ bởi CanThoWork

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan