Tìm Hiểu Transferable Skills - Các Kỹ Năng Có Thể Chuyển Đổi

Kỹ năng mềm và ngôn ngữ

| 08 tháng 7 2022

| bởi CanThoWork

image
Định nghĩa

Transferable Skills là các kỹ năng được phát triển trong một tình huống mà có thể được sử dụng cho một tình huống khác. Đôi khi chúng cũng được gọi là các kỹ năng mềm (Soft Skills).

Tại sao các Transferable Skills lại quan trọng?

Theo Chevening (Website của học bổng chính phủ Anh) có nhấn mạnh: “Các kỹ năng công việc của bạn không cần thiết phải liên quan tới khóa học mà bạn muốn học. Chúng tôi chấp nhận kinh nghiệm làm việc từ mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu khóa học bạn lựa chọn không liên quan đến kinh nghiệm làm việc thì bạn sẽ cần phải đưa ra lý do tại sao bạn lại thay đổi như vậy. Hãy chú ý tới các kỹ năng chuyển đổi bạn đã tích lũy được từ công việc hiện tại và chúng sẽ giúp bạn như thế nào trong việc học tập và đạt được các mục tiêu sự nghiệp trong tương lai”.

Theo Mind Tools Team (Nhóm phát triển blog Mind Tools) về các kỹ năng công việc rất nổi tiếng cũng chia sẻ một bài viết có nhấn mạnh tới vai trò của Transferable Skills đối với phát triển sự nghiệp.

Các kỹ năng chuyển đổi (Transferable Skills) phổ biến nhất

1. Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork)

Thể hiện khả năng làm việc nhóm sẽ giúp bạn khẳng định với nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp và có những đóng góp giá trị cho công ty.

Để biết liệu mình đã tích lũy được các kỹ năng làm việc nhóm hay chưa, hãy nghĩ về việc khi ở trong một nhóm nào đó, bạn đã vượt qua thử thách như thế nào và thành công ở mức độ nào? Bạn có phải là người năng nổ, hoạt bát, kết nối mọi người? Bạn có đưa ra ý tưởng xây dựng không?,...

2. Kỹ năng lãnh đạo (Leadership)

Có thể bạn không ứng tuyển hay đang không làm ở một vị trí cần khả năng lãnh đạo, nhưng có thể bạn sẽ cần thể hiện khả năng lãnh đạo trong những tình huống nhất định.

Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn sẽ cần rất nhiều những kỹ năng nhỏ khác. Chẳng hạn, tạo động lực cho nhân viên, biết cách giao phó công việc, chịu trách nhiệm, quản lý hiệu quả để đạt được mục tiêu chung, sẵn sàng kêu gọi sự giúp đỡ, đưa ra phản hồi, có được sự tin tưởng…

3. Động lực cá nhân, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian (Personal Motivation, Organisation và Time Management)

Không chỉ làm việc theo nhóm, bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập và chịu trách nhiệm với thời gian lẫn công việc của bạn.

Chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng kiểm soát thời gian và kỹ năng tổ chức. Nghĩ xem hàng ngày bạn sử dụng thời gian như thế nào? Bạn có hoàn thành những việc bạn muốn hay không? Bạn có dễ bị phân tán bởi những thứ khác? Bạn có chủ động hay bị động với hoàn cảnh và mỗi khi bị giao quá nhiều việc, bạn có kiểm soát căng thẳng tốt? Bạn có dễ nóng giận khi có áp lực?

4. Kỹ năng lắng nghe (Listening)

Tỷ phú Richard Branson đánh giá lắng nghe hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Rất nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn về việc nhân viên không lắng nghe chủ động và cũng không ít những người làm việc ở vị trí cấp cao thiếu đi kỹ năng này.

Lắng nghe chủ động nghĩa là bạn toàn tâm toàn ý nghe người khác nói, không phân tán, không để tâm tới những vấn đề cá nhân và đưa ra các phản hồi/ý kiến hợp lý. Thiếu lắng nghe chủ động có thể dẫn tới nhiều hiểu nhầm và đánh mất cơ hội.

5. Kỹ năng viết (Written Communication)

Rất nhiều vị trí đòi hỏi một mức độ cơ bản về kỹ năng viết. Có thể bạn sẽ phải thích nghi với sự thay đổi của phong cách viết, viết báo cáo, viết thông cáo báo chí, viết nội dung quảng cáo, viết email, viết thư, viết nội dung web, trả lời thư khách hàng, viết đề xuất đến các cổ đông, viết mô tả dự án, viết luận,....

6. Lời nói (Verbal Communication)

Giao tiếp bằng lời nói thể hiện ý kiến của mình như thế nào, giải quyết vấn đề trực tiếp ra sao và kiểm soát ngôn ngữ của mình trong nhiều tình huống đặc biệt. Bạn có lịch sự không? Có giận dữ không? Bạn có sử dụng ngôn ngữ cử chỉ? Bạn có tế nhị, khéo léo trong giao thiệp? Bạn có nói theo cách khiến người khác cảm thấy được truyền cảm hứng? Bạn có diễn đạt những ý kiến phức tạp một cách logic và chính xác? Bạn có thể đàm phán hiệu quả? Bạn có giữ được bình tĩnh?

7. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích (Research and Analytical)

Có rất nhiều thông tin phức tạp đòi hỏi bạn phải xử lý, diễn giải, đưa ra ví dụ giải thích, thậm chí là tìm hiểu nhiều nguồn để làm rõ chúng. Các hoạt động này có thể liên quan đến dữ liệu bán hàng, sản phẩm mới, thông số kỹ thuật của nhà cung cấp, báo cáo kỹ thuật và thông tin tài chính.

Research and Analytical Skills có thể cần thiết ở một vài lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nhưng thực tế, đa phần các công việc ít nhiều đều cần đến kỹ năng nghiên cứu và phân tích.

8. Kỹ năng làm việc với các con số (Numeracy)

Có thể bạn không ứng tuyển vị trí liên quan đến toán học hay thống kê, nhưng hiểu cơ bản về tính toán và tính toán nhanh nhạy rất hữu ích. Rất nhiều công việc cần đến kỹ năng tính toán, và cuộc sống của bạn cũng cần đến nó.

9. Kỹ năng phát triển bản thân (Personal Development)

Phát triển bản thân là việc đánh giá năng suất cá nhân và nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình. Có thể phản tác dụng nếu đề cập điểm yếu khi phỏng vấn xin việc nhưng nói về những gì bạn đã làm để cải thiện nó và học được những kỹ năng mới là biểu hiện cho thấy nhận thức bản thân của bạn rất tốt.

Chứng minh rằng bạn rất hứng thú với việc học hỏi và phát triển, bạn có thể được xem như là người nhiệt huyết và sẵn sàng đối đầu với thử thách mới.

10. Kỹ năng công nghệ thông tin (Information Technology)

Rất nhiều công việc yêu cầu bạn biết cách soạn thảo văn bản, tạo Excel, sử dụng phần mềm web. Tuy nhiên, hãy nghĩ xa hơn các kỹ năng IT cơ bản này. Bạn có tự tin khi sử dụng máy tính không? Bạn có nhanh chóng làm quen với các công nghệ và phần mềm mới? Bạn có là người nhạy bén? Bạn có hiểu được tầm quan trọng của bảo mật dữ liệu và riêng tư?

Chia sẻ bởi CanThoWork

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan