Làm Thế Nào Để Bước Gần Hơn Tới Nhà Tuyển Dụng?

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc và tham dự phỏng vấn

| 29 tháng 8 2022

| bởi CTW.vn

image
Hiểu cách làm việc của nhà tuyển dụng

Công việc của nhà tuyển dụng là nắm rõ từng vị trí tuyển dụng để: Hiểu về các kỹ năng, năng lực phù hợp; Thuyết phục thành công ứng viên sáng giá nhất với mức chi phí hợp lý nhất. Như vậy, họ vừa là người rao hàng (vị trí công việc), vừa đi tìm khách hàng (ứng viên), lại vừa cổ vũ, hướng dẫn, thậm chí làm chiến lược gia cho cả ứng viên và công ty tuyển dụng.

Và hãy tưởng tượng một nhà tuyển dụng đang làm tất cả những điều đó cho không chỉ một vị trí việc làm. Và mỗi vị trí họ có khoảng 10 ứng viên, tức là phải bỏ thời gian để làm việc đồng thời với 50 người. Vì vậy, để rút ngắn thời gian được họ để tâm và nhận ra điểm sáng của bạn, hãy tiếp cận họ một cách có mục tiêu.

Hiểu kiểu nhà tuyển dụng mà bạn cần tiếp cận

Có nhiều kiểu chuyên gia tuyển dụng: Thuộc bộ phận nhân sự của công ty, thuộc công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng hoặc chuyên gia ‘săn đầu người’ tự do.

Nhân sự HR nội bộ

Thường các công ty sẽ chỉ định mỗi nhân sự tìm người tài cho một lĩnh vực khác nhau: Kỹ thuật, marketing, tài chính,…Vì thế, hãy chắc chắn là mình tiếp cận đúng người. Ngoài ra, lời giới thiệu từ một nhân viên hoặc một người quen của họ sẽ được chú ý hơn so với một email giới thiệu chung chung.

Nhà tuyển dụng dịch vụ

Tương tự, các nhà tuyển dụng từ công ty dịch vụ cũng chỉ nhận làm những lĩnh vực thế mạnh của họ. Đặc điểm nổi bật là họ không được trả tiền nếu không tìm ra ứng viên phù hợp (và thực sự đến làm việc). Trong một số trường hợp, nhân viên tuyển dụng của chính công ty khách hàng cũng tìm ra ứng viên phù hợp, thì ứng viên của nhà tuyển dụng dịch vụ sẽ bị loại. Nhưng đừng vì thế mà bỏ qua cơ hội, vì một nhà tuyển dụng dịch vụ có thể đang tìm người cho cùng một vị trí ở nhiều công ty khác nhau.

Chuyên gia săn đầu người

Đây là những người có mạng lưới nhân sự sâu rộng, lâu năm và thường tìm kiếm cho vị trí cấp cao trở lên. Thậm chí, họ có thể tìm nhân tài cho những vị trí bí mật, không được đăng tuyển công khai.

Biết cách tiếp cận nhà tuyển dụng

Đây là bước quan trọng nhất. Đừng bao giờ tiếp cận nhà tuyển dụng để yêu cầu họ giúp đỡ bạn. Họ không biết bạn và bạn không trả tiền cho họ! Công việc của họ không phải để giúp bạn. Mục tiêu khi tiếp cận nên là: giúp họ hoàn thành công việc và tìm ra ứng viên phù hợp. Vì thế, chỉ nên liên hệ sau khi đã nghiên cứu xong về vị trí tuyển dụng, CV, hồ sơ trên LinkedIn đã sẵn sàng và bạn đã sẵn sàng phỏng vấn.

Hãy cho họ thấy 2 lý do để chú ý đến bạn:

Bạn có thể bổ sung vào vị trí mà họ đang tuyển

Thường các tin trên LinkedIn sẽ thể hiện tên của người đăng tin. Hãy liên hệ với họ để mô tả các kỹ năng và khả năng mà bạn có thể áp dụng tốt cho vị trí đó. Đồng thời, hãy nói rõ một số năng lực khiến bạn có thể mang lại giá trị nổi bật cho công ty khi ở vị trí đó. Nhớ bám sát vào các từ khóa trong bản mô tả công việc.

Nếu bạn là ứng viên phù hợp, bạn có thể nhận được phản hồi. Nếu bạn không nhận được phản hồi, có thể là vì bạn đã chậm (họ đã chọn được ứng viên) hoặc không phù hợp với vị trí đó như bạn nghĩ.

Bạn biết rằng nhà tuyển dụng mạnh về một ngành và vị trí cụ thể

Trường hợp này, tuy không biết nhà tuyển dụng có đang tìm người cho vị trí công việc cụ thể nào không, nhưng bạn biết chắc các kiểu vị trí nghề nghiệp và lĩnh vực mà họ chuyên làm. Nếu tình cờ họ cũng đang tuyển vị trí mà bạn phù hợp, bạn sẽ nhận được phản hồi. Nếu không, họ sẽ lưu CV của bạn vào cơ sở dữ liệu để liên hệ khi thích hợp.

Vì vậy, hãy chủ động “chào hàng” bản thân với những thông tin hữu ích cho họ. Bao gồm: Vị trí phù hợp, chức danh mong muốn, kinh nghiệm quản lý, địa điểm làm việc, các lĩnh vực thế mạnh, mức lương kỳ vọng,…

Chia sẻ bởi CanThoWork

Nguồn bài viết
Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Bài viết liên quan