Sàng lọc resume thế nào cho hợp lý?

Bạn cần biết về quy trình tuyển dụng

| 14 tháng 12 2021

| bởi CTW.vn

image

Sàng lọc resume giúp nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian trong quá trình tuyển dụng cũng như giúp quy trình tiếp nhận nhân viên mới diễn ra nhanh hơn. Dù sàng lọc hồ sơ thủ công hay sử dụng phần mềm, việc áp dụng các kỹ thuật hiệu quả nhất sẽ giúp bạn xác định ra những ứng viên phù hợp nhất. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu định nghĩa của sàng lọc resume, về những kiểu sàng lọc khác nhau và các mẹo để sàng lọc thành công và tìm ra những ứng viên tốt nhất.

Sàng lọc resume là gì?

Sàng lọc resume đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng nhờ khả năng có thể thu hẹp danh sách những ứng viên đã đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng sẽ xem xét, đánh giá hồ sơ của ứng viên thủ công hoặc dùng phần mềm để hoàn tất quy trình đánh giá. Khi sàng lọc thủ công, các nhà tuyển dụng sẽ tự mình xem xét, đánh giá từng resume một. Trong khi sàng lọc bằng phần mềm thì nhà tuyển dụng sẽ sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để quét (scan) resume dựa trên những tiêu chí được xác định từ trước. Sàng lọc resume chính là cách đơn giản nhất để loại những ứng viên không đạt yêu cầu và chọn ra những ứng viên đi tiếp vào vòng phỏng vấn.

Vì sao sàng lọc resume lại quan trọng?

Cùng với sự phát triển bùng nổ của việc làm online và sự gia tăng tương ứng của các tin quảng cáo tuyển dụng, các nhà tuyển dụng khó tránh khỏi việc nhận được một lượng lớn hồ sơ gửi về để ứng tuyển cho chỉ một vài vị trí. Sàng lọc resume sẽ cho phép nhà tuyển dụng xem xét lý lịch của các ứng viên và xác định được sự phù hợp của họ với công việc và văn hóa doanh nghiệp.

Việc sàng lọc cũng cho phép nhà tuyển dụng cân nhắc liệu các yêu cầu trong tin tuyển dụng có thực tế với thị trường việc làm hay không. Nếu không có ứng viên nào hội đủ các kỹ năng và số năm kinh nghiệm như yêu cầu, nhà tuyển dụng nên cân nhắc điều chỉnh lại kỳ vọng của họ đối với vị trí tuyển dụng.

Sự khác biệt giữa sàng lọc thủ công và sử dụng phần mềm sàng lọc

Cả sàng lọc thủ công và sử dụng phần mềm sàng lọc đều có những lợi ích và bất cập riêng của chúng. Mỗi nhà tuyển dụng cần quyết định sẽ sử dụng phương pháp nào dựa trên những yếu tố sau:

  • Thời gian và ngân sách hiện có
  • Số lượng hồ sơ cần đánh giá
  • Số lượng vị trí cần tuyển

Sàng lọc thủ công tốn nhiều thời gian hơn sử dụng phần mềm sàng lọc, vì nhà tuyển dụng phải tự mình xem xét từng resume một. Tuy nhiên, vì phần mềm sàng lọc không phải lúc nào cũng nhận ra các sắc thái và sự khác biệt nhỏ giữa các resume, chẳng hạn như một từ khóa ưu tiên được các ứng viên diễn đạt bằng nhiều từ đồng nghĩa khác nhau, trong trường hợp này, sàng lọc thủ công sẽ là phương án tối ưu nhất. Sàng lọc thủ công cũng sẽ giúp lấp đầy các vị trí không có trên tin tuyển dụng, vì nhà tuyển dụng có thể cân nhắc tuyển những ứng viên chưa đáp ứng yêu cầu vào những vị trí phù hợp khác trong tổ chức.

Phần mềm sàng lọc thường sắp xếp một cách hợp lý quá trình đánh giá bằng cách chọn trước những hồ sơ đủ tiêu chuẩn nhất dựa trên các từ khóa mà nhà tuyển dụng đã thiết lập sẵn để phần mềm lọc. Nhiều tin tuyển dụng có thể thu hút hơn 200 hồ sơ chỉ cho một vị trí. Vì các nhà tuyển dụng thường chỉ phỏng vấn từ 5-10 ứng viên, nghĩa là họ sẽ từ chối khoảng 98% hồ sơ thông qua sàng lọc.

Sử dụng phần mềm sàng lọc và hệ thống theo dõi ứng viên làm cho quá trình này trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phần mềm chưa thể tinh vi bằng trí óc con người. Vì vậy, phần mềm sàng lọc có thể bỏ sót những ứng viên xuất sắc chỉ vì resume của họ không chứa đủ các từ khóa ưu tiên hoặc do họ đã gửi một resume ở định dạng tệp không đúng chuẩn.

Cách sàng lọc resume

Bước 1: Chọn những resume đáp ứng yêu cầu tuyển dụng

Hãy luôn nhớ trong đầu bản mô tả công việc khi tiến hành đánh giá hồ sơ ứng viên. Nếu người sử dụng lao động cần nhân viên mới có một số năm kinh nghiệm hoặc chứng nhận cụ thể nào đó, hãy loại những hồ sơ không chứa các thông tin này.

Bước 2: Chọn những ứng viên có các kỹ năng mà nhà tuyển dụng ưu ái

Bên cạnh một danh sách những yêu cầu, nhà tuyển dụng cũng sẽ có một danh sách các kỹ năng mà họ ưu ái. Điều quan trọng là phải ưu tiên những kỹ năng này bởi chúng thường giúp nhân viên hoàn thành tốt công việc được giao và hòa nhập nhanh hơn với văn hóa tổ chức. Các kỹ năng mềm như lãnh đạo và giao tiếp có thể không cần thiết cho vị trí đang tuyển dụng, nhưng chúng sẽ làm tăng thêm giá trị cho tổ chức.

Bước 3: Chọn resume đã được tinh chỉnh cho phù hợp với vị trí tuyển dụng 

Những ứng viên chủ động điều chỉnh resume cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng chứng tỏ họ có đầu tư thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về vị trí việc làm và tổ chức. Nó cũng cho thấy sự tận tâm và chú tâm của ứng viên đến từng chi tiết.

Một số dấu hiệu cho thấy ứng viên đã điều chỉnh resume của họ:

  • Danh sách kỹ năng phù hợp với các kỹ năng được yêu cầu trong tin tuyển dụng
  • Những thành tích đáng chú ý liên quan đến vị trí tuyển dụng
  • Phần kinh nghiệm làm việc làm nổi bật các kỹ năng cần thiết cho vị trí tuyển dụng

Một resume không điều chỉnh sẽ:

  • Không bao gồm bất kỳ kỹ năng nào trong tin tuyển dụng
  • Bản tóm tắt không liên quan tới vai trò hay tổ chức
  • Phần kinh nghiệm quá dài, liệt kê các vai trò đã lỗi thời và không mấy liên quan

Bước 4: Kiểm tra thông tin ứng viên

Một khi bạn đã giới hạn được danh sách ứng viên, điều cần làm tiếp theo là phải kiểm tra tính xác thực thông tin của họ. Tiến hành tham chiếu để đánh giá cả tính xác thực của thông tin mà ứng viên cung cấp và các phẩm chất quan trọng như sự chính trực và đạo đức nghề nghiệp.

Nhà tuyển dụng xem xét điều gì trong các resume?

Khi sàng lọc hồ sơ và đánh giá ứng viên, nhà tuyển dụng có thể chú ý đến các mục sau để xác định được những người phù hợp nhất với vị trí:

1. Lỗi sai và thiếu chuyên nghiệp

Những ứng viên nộp hồ sơ thiếu chuyên nghiệp, chẳng hạn như mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc viết vào những chi tiết sai sự thật cũng có thể sẽ có xu hướng làm việc thiếu chuyên nghiệp về sau này. Ngược lại, những hồ sơ được chuẩn bị cẩn thận, tỉ mỉ sẽ thể hiện sự chú tâm của ứng viên đến chất lượng và từng chi tiết trong công việc.

2. Biểu hiện nhảy việc

Mặc dù "nhảy việc" hoặc chuyển việc trong một thời gian ngắn đang ngày càng phổ biến, nhưng quan trọng là bạn phải đặt câu hỏi trong lúc phỏng vấn để biết lý do vì sao các ứng viên tiềm năng lại chuyển đổi công việc liên tiếp như thế. Có thể họ mong muốn học hỏi nhiều kỹ năng mới và chuyển việc đã cho họ cơ hội để hiện thực hóa điều này, hoặc có thể họ gặp các vấn đề như sợ gắn kết (personal commitment issues) - khiến cho việc giữ một vai trò trong một thời gian dài là vô cùng khó khăn đối với họ.

Trao đổi với ứng viên về vấn đề này là điều cần thiết, vì lý do họ nhảy việc có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phù hợp của họ với vị trí tuyển dụng.

3. Khoảng thời gian nghỉ việc

Về vấn đề nhảy việc, nhà tuyển dụng nên tạo điều kiện để các ứng viên phù hợp chia sẻ về khoảng thời gian dài họ không làm việc. Có thể họ đã dành khoảng thời gian đó để học lấy bằng, chăm sóc người nhà ốm đau, khởi nghiệp hay phải ở nhà chăm sóc con cái. Hiểu được những lý do này sẽ giúp bạn có những đánh giá công tâm hơn, chính xác hơn và không để lỡ một nhân tài xuất chúng.

Lược dịch bởi CanThoWork.

Cố vấn việc làm

Bạn cần được cố vấn việc làm và tìm việc, hãy click vào đây

Ngoài ra, để luôn được cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất, hãy tham gia vào nhóm 𝗭𝗮𝗹𝗼 của 𝗖𝗮𝗻𝗧𝗵𝗼𝗪𝗼𝗿𝗸.𝘃𝗻 cho từng lĩnh vực:

Nguồn bài viết
Bài viết liên quan